NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TÌNH TRẠNG SỨC KHỎE HẬU COVID-19
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TÌNH TRẠNG SỨC KHỎE HẬU COVID-19
1- Hậu Covid-19 là gì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10 đến 20% bệnh nhân COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Giống bệnh cảnh COVID-19 cấp tính, hội chứng COVID kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da, lông... Triệu chứng thường gặp nhất: mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị, giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.
Vào đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, "tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người trước đó đã nhiễm bệnh và các triệu chứng gặp phải kéo dài ít nhất 2 tháng kể từ lúc được xác định là khỏi bệnh và không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế."
2- Các biểu hiện sức khỏe hậu COVID-19 thường gặp:
Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, tình trạng hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc thậm chí trong thời gian mắc bệnh họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị “hậu COVID-19″ với biểu hiện chức năng ở nhiều cơ quan. Các triệu chứng hậu COVID-19 đa dạng, dai dẳng và kéo dài ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Về hô hấp: Ho dai dẳng kéo dài, khó thở, đau rát họng;
- Về tim mạch: Cảm giác khó chịu đau tức, nặng ngực; hồi hộp trống ngực, rối loạn nhịp tim;
- Về tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa
- Về thần kinh, nhận thức: Mất ngủ kéo dài, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, suy giảm tập trung, một số người xuất hiện tình trạng não sương mù (bao gồm các triệu chứng kém tập trung, dễ bị phân tâm, tốc độ xử lý thông tin kém và trí nhớ giảm), thay đổi tâm trạng..
- Triệu chứng khứu giác/vị giác: Người bệnh có thể bị mất hoặc giảm khứu giác hoặc vị giác.
- Các triệu chứng khác: Mệt mỏi, giảm sức chịu đựng, rụng tóc, suy giảm khả năng sinh lý…
3- Cần phải làm gì khi nghi ngờ hoặc có biểu hiện của hậu COVID-19 ?
Các triệu chứng của tình trạng hậu COVID-19 đa số biểu hiện nhẹ, trong đó, triệu chứng thường hay gặp phải là mệt mỏi, hụt hơi, tức ngực và một số triệu chứng khác. Trong đó, cần lưu ý rằng, không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19. Vì vậy, người bệnh không nên có tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức về hội chứng hậu COVID-19 làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế gia đình.
Người bệnh sau quá trình điều trị khỏi COVID-19 cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp, lành mạnh, cân bằng trong công việc và sinh hoạt; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các vitamin, khoáng chất và cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Khi nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau khi mắc COVID-19, người dân nên chủ động liên hệ với nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, được thăm khám hoặc được giới thiệu đến cơ sở y tế phù hợp để khám, điều trị
4- Các cơ sở khám, hỗ trợ người bệnh hậu COVID-19
Để bước đầu đáp ứng với vấn đề sức khỏe mới phát sinh; hỗ trợ kịp thời cho người có tình trạng hậu COVID-19 đang gia tăng, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế đến nay hầu hết các bệnh viện, Trung tâm y tế, phòng khám và trạm y tế trên địa bàn tỉnh (gồm cả cơ sở y tế tư nhân), tùy theo năng lực và phạm vi chuyên môn cho phép, đã chủ động triển khai hoạt động hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người có biểu hiện hậu COVID-19 thông qua nhiều hình thức như: tổ chức kênh tư vấn, tổ chức kết hợp hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thường quy cho người dân nói chung và khám, chữa bệnh cho người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 nói riêng.
Theo đó, khi có biểu hiện của tình trạng hậu COVID-19, tùy theo từng mức độ, tình trạng bệnh, người dân có thể chủ động liên hệ với cán bộ y tế, cơ sở y tế gần nhất như: Trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc phòng khám đa khoa, chuyên khoa hoặc Bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn hoặc được thăm khám, điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Ngoài ra, người bệnh có thể lựa chọn trực tiếp đến Phòng khám, tư vấn hậu COVID-19 thuộc 05 bệnh viện tuyến cuối của tỉnh gồm: Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Phổi, để được thăm khám, tư vấn, điều trị các rối loạn, bệnh lý mà người bệnh gặp phải sau nhiễm SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, người dân có thể liên hệ hỗ trợ online từ 05 bệnh viện trên qua điện thoại. Cụ thể: Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh (0819.092.288), Bệnh viện Bãi Cháy (1900.969.694), Bệnh viện Sản Nhi (0912.048.799), Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (0983.998.779), Bệnh viện Phổi Quảng Ninh (0975.530.188). Riêng Bệnh viện Bãi Cháy còn có thêm kênh tư vấn sức khỏe hậu COVID-19 online qua kênh mạng xã hội Zalo OA: Bệnh viện Bãi Cháy.
5- Phòng ngừa
Với những người không có chống chỉ định cần tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ngay khi có thể, đó là cách tốt nhất để tránh mắc bệnh COVID-19 và ngăn ngừa các di chứng hậu COVID-19.
(Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh)
Nguồn:niuzy.com Copy link